Bóng chuyền Việt Nam thực tế chưa gọi là chuyên nghiệp mà hiện tại chúng ta mới đang dần chuyển mình để bước sang chuyên nghiệp. Chính vì thế mà trong nhiều năm qua, giải bóng chuyền VĐQG đang dần bộc lộ những “khiếm khuyết” để nảy sinh những vụ việc đáng tiếc.
Năm 2004 khi giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc được gọi theo tên mới là giải bóng chuyền VĐQG, nhiều người lầm tưởng thời điểm đó bóng chuyền Việt Nam là giải đấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cho tới hiện nay, giải bóng chuyền VĐQG mới chỉ là giải bán chuyên với hệ thống quản lý và các quy chế “cũ mèm” được hình thành từ hơn 10 năm trước. Có thể nói rằng hiện nay, nhiều quy định đã không còn phù hợp khi tốc độ phát triển của bóng chuyền đã đi trước những bản quy chế cũ.
Giải VĐQG nhiều năm qua đã phải cải tiến rất nhiều trong cách vận hành như giảm số đội bóng tham dự từ 12 đội xuống 10 đội và tiến tới chỉ còn 8 đội. Cách chia bảng đấu và xếp xen kẽ tại vòng sau đã được áp dụng năm 2019. Với cách làm đó có quá nhiều bất cập bởi các đội thi đấu “hời hợt khi đã đủ số điểm an toàn” khiến nhiều trận đấu trở nên nhạt nhẽo. Thêm 1 lần nữa Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam phải thay đổi cách thức từ tính điểm sang xếp hạng sau 2 vòng để lấy 4 đội có thành tích tốt nhất. Như vậy là phải liên tục cải tiến.
Về quy chế chuyển nhượng VĐV bóng chuyền Việt Nam được xây dựng và hình thành cách đây 11 năm trong thời điểm bóng chuyền Việt Nam bắt đầu hội nhập sâu ra thế giới. Trong bản quy chế chuyền nhượng VĐV bóng chuyền “khá sơ sài” đó có nhiều thứ hiện nay không còn phù hợp nếu như chúng ta xác định xây dựng bóng chuyền Việt Nam trở thành giải đấu mang tính chuyên nghiệp.
Đối chiếu với vụ án HLV Kim Huệ và 3 học trò có thể nhận thấy khá nhiều quy định trong bản quy chế chuyển nhượng không hề chặt chẽ. Tại một số điểm nếu như xét cụ thể thì HLV Kim Huệ cũng cần tách khỏi 3 học trò trong 1 vụ án khác.
Điều 7: CLB muốn nhận chuyển nhượng VĐV phải thông báo bằng văn bản cho CLB có VĐV về việc xem xét chuyển nhượng. Thoả thuận chuyển nhượng VĐV phải được lập thành văn bản có chữ ký của lãnh đạo 2 CLB (có dấu xác nhận) và VĐV tham gia chuyển nhượng.
Khoản 3, Điều 7 quy định sau khi ký thoả thuận các bên phải tiến hành các thủ tục về chấm dứt và ký kết hợp đồng mới với VĐV theo quy định của pháp luật và quy chế chuyển nhượng.
Có thể thấy: “Quy chế chuyển nhượng bóng chuyền không cấm VĐV đang còn hợp đồng với một CLB này được phép đàm phán, thoả thuận với đơn vị khác”. Một mặt, trong bản quy chế đó không hề có mục chuyển nhượng HLV mà chỉ là mối qua hệ giữa VĐV với CLB chủ quản.
Giải bóng chuyền VĐQG sẽ còn có nhiều thay đổi trong thời gian tới
Theo Điều 12: 1.Trường hợp vận động viên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hợp pháp mà câu lạc bộ chủ quản không chấp thuận, thì sau 06 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị giải quyết vụ việc của vận động viên, Liên đoàn sẽ xem xét giải quyết cho vận động viên được tiếp tục thi đấu.
2. Căn cứ quy định của pháp luật và Quy chế này, trong thời hạn 30 ngày Liên đoàn thông báo kết quả giải quyết bằng văn bản cho các bên.
Trường hợp Liên đoàn quyết định vận động viên được thi đấu cho câu lạc bộ mới, thì vận động viên và câu lạc bộ mới phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường theo thoả thuận hoặc theo mức bồi thường chi phí đào tạo quy định tại Điều 14 Quy chế này cho câu lạc bộ cũ.
Điều này có thể xét ngay tới trường hợp của Vi Thị Như Quỳnh trong vụ kiện của Ngân hàng Công thương cách đây không lâu khi chủ công trẻ chuyển sang thi đấu cho Than Quảng Ninh sau khi cho rằng mình đã hết hạn hợp đồng với CLB.
Như vậy Than Quảng Ninh và cá nhân Vi Thị Như Quỳnh chấp nhận đền bù chi phí đào tạo cho phía Ngân hàng Công thương. Chi phí đào tạo cho 1 năm của Vi Thị Như Quỳnh là khoảng 130.000.000 VNĐ. Nhìn vào cái giá mà phía Vi Thị Như Quỳnh và Than Quảng Ninh phải trả cho Ngân hàng Công thương có thể nói “quá bèo” so với nhiều môn thể thao khác và có thể ngay trong bóng chuyền. Tổng chi phí 160 triệu (chi phí đào tạo và một số khoản phụ phí sinh hoạt khác) không phải là con số quá lớn để đào tạo nên một VĐV.
Nhưng trên khía cạnh quản lý về chuyên môn của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam là khá mờ nhạt và không đủ tính thuyết phục, răn đe.
Theo nguyên tắc chuyển nhượng VĐV: “Chuyển nhượng vận động viên theo quy định tại Điều 2 Quy chế là thoả thuận 03 bên (2 câu lạc bộ và vận động viên), theo đó nhất thiết phải có sự đồng ý của vận động viên thì thoả thuận mới có giá trị. Đây là điểm mới so với Quy định về chuyển nhượng vận động viên bóng chuyền năm 2004. Do vậy, trong quá trình đàm phán để chuyển nhượng vận động viên, các câu lạc bộ cần tôn trọng ý trí, nguyện vọng của vận động viên để đạt được sự thống nhất cao. Đặc biệt cần lưu ý, đối với những vận động viên chưa đủ 18 tuổi (tại thời điểm ký kết thoả thuận chuyển nhượng) cần thiết phải có sự tham gia và đồng ý của người đại diện hợp pháp của vận động viên”.
Như vậy, trường hợp 3 VĐV của Ngân hàng Công thương đàm phán với Bamboo Airways Vĩnh Phúc có được gọi là “đi đêm”? Đại diện FLC hoàn toàn có cơ sở khi chuyển tiền vào tài khoản của HLV Kim Huệ và các học trò? Đương nhiên, bởi chiếu theo quy chế cần có sự thoả thuận 3 bên, đằng này Ngân hàng Công thương hoàn toàn đứng ngoài cuộc và họ gần như không hề biết cho tới khi 4 cô trò nộp đơn xin nghỉ khiến cho mọi chuyện vỡ lẽ.
Trở lại câu chuyện trách nhiệm của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam khi giải quyết tranh chấp giữa VĐV và CLB, đặc biệt trong vụ HLV Kim Huệ vừa qua hay vụ Đinh Thị Thúy trước đây.
1. Khi các câu lạc bộ có tranh chấp về vận động viên, theo Điều 12 Quy chế chuyển nhượng vận động viên bóng chuyền, Liên đoàn chỉ giải quyết cho vận động viên thi đấu cho câu lạc bộ mới khi: Vận động viên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hợp pháp, và có hồ sơ đề nghị giải quyết vụ việc, và sau thời gian 6 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị.
2. Khi Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam giải quyết tranh chấp, thì mức bồi thường của câu lạc bộ mới và vận động viên phải bồi thường cho câu lạc bộ cũ sẽ được Liên đoàn áp dụng theo mức quy định tại Điều 14 của Quy chế khi các bên không tự thoả thuận được.
Khi chuyển nhượng vận động viên, các câu lạc bộ tự do thoả thuận về mức tiền chuyển nhượng. Quy định về chi phí đào tạo tại Điều 14 Quy chế chỉ có ý nghĩa để các câu lạc bộ tham khảo”.
Như vậy có thể thấy rằng trong tất cả các trường hợp đã xảy ra gần như vai trò của tổ chức xã hội, nghề nghiệp không quá rõ ràng. Vai trò của Liên đoàn trong các vụ tranh chấp hợp đồng cũng không được coi trọng dẫn tới ngay cả VĐV hiện nay cũng tự đứng ra đàm phán hợp đồng của mình và chờ đến khi mọi thứ hoàn tất mới thông báo đến cơ quan chủ quản hoặc khi gặp khó mới lục đục lôi nhau lên Liên đoàn giải quyết. Những kẽ hở đó tạo tiền lệ xấu cho nền bóng chuyền nước nhà nếu chúng ta quyết tâm làm chuyên nghiệp. Nên chăng, để chuẩn bị cho bước đi mới, việc đầu tiên là cần thay đổi lại tư duy cũng như cải thiện hành lang pháp lý đủ mạnh để khắc phục những tồn tại bấy lâu trong làng bóng chuyền Việt Nam.
Theo webthethao.vn