Năm 2012 bóng chuyền Việt Nam quyết định nói không với việc sử dụng cầu thủ ngoại, tròn một thập kỷ sau đó ngoại binh chính thức trở lại với nhiều điểm nhấn đáng chú ý.
Trong bài phỏng vấn với ông Lê Trí Trường diễn ra vào cuối tháng 11 năm 2021, Tổng Thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đã chia sẻ về kế hoạch đưa ngoại binh thi đấu trở lại tại Việt Nam: “Theo xu thế hướng tới chuyên nghiệp trong bóng chuyền thì việc thuê cầu thủ ngoại là tất yếu! Nhưng cho thuê vào thời điểm nào? Thuê bao nhiêu VĐV ngoại trong đội hình thi đấu? Đó là câu chuyện chúng ta cần phải có sự tính toán, hội thảo để tìm ra phương án phù hợp nhất”.
Cuộc hội thảo diễn ra rất nhanh sau đó và bóng chuyền Việt Nam chính thức đón ngoại binh trở lại ngay trong năm 2022. Ngay sau đó các đội bóng lao vào cuộc đua tìm kiếm ngoại binh và rất nhiều cái tên lần lượt xuất hiện.
Ra mắt Hà Tĩnh trong ngày mở màn giải Hoa Lư – Bình Điền 2022, Napadet Bhinijdee chính là ngoại binh đầu tiên tái xuất bóng chuyền Việt Nam sau tròn 10 năm vắng bóng, ngay sau đó là Assanaphan Chantajorn cũng xuất hiện trong màu áo Vĩnh Long.
Bộ đôi vừa khoác áo đội tuyển Thái Lan tại SEA Games 31 vẫn thể hiện những dấu ấn chuyên môn khác biệt, phần nào cho thấy ngoại binh là sự bổ sung chất lượng cho các đội bóng.
Tuy nhiên câu chuyện 10 năm trước vẫn còn đó, cụ thể là những bất cập xuất hiện khi một số đội bóng chỉ tập trung vào giành giật ngoại binh, đẩy giá chuyển nhượng cao chót vót, cùng với đó công tác đào tạo trẻ bị ngó lơ. Các đội bóng đều bị cuốn vào một cuộc chạy đua “ngoại binh thời vụ” phục vụ “thành tích trước mắt”. Trong cuộc đua ấy, thậm chí mấy đội bóng nhà nghèo cũng phải gồng mình lên để thuê được ít nhất một ngoại binh.
Cao điểm có những mùa 23/24 CLB nam nữ đều thuê ngoại binh, nhiều đội thuê tới 2-3 người. Điều đáng nói, hầu hết trong số đó đều chỉ sát ngày mới sang Việt Nam rồi lại lập tức trở về ngay khi kết thúc giải. Như lý giải của các đội, điều này một phần tạo thuận lợi cho chính các cầu thủ ngoại, song chủ yếu cũng là để tiết kiệm kinh phí.
Nhưng dù có tằn tiện đến mấy mỗi đội bóng cũng phải chi ít nhất 3.000 USD/người/tháng, những cầu thủ chất lượng có thể nhận đến 6 thậm chí 7.000 USD/tháng. Trong suốt những năm sử dụng ngoại binh khi ấy, nhẩm tính cũng thấy bóng chuyền Việt Nam khi ấy đổ vào lực lượng này số tiền không dưới 1,2 triệu USD. Để rồi sau đó 1, 2 và giờ là 10 năm, bóng chuyền Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ, công tác đào tạo trẻ không có cải thiện, thành tích cũng không thể đột phá.
Thiết nghĩ, đây là bài học đắt giá mà chính những người trong cuộc cũng phải thừa nhận, sau đó là đúc kết để mang đến một lực lượng cầu thủ chất lượng cho các giải đấu trong nước, giúp VĐV Việt Nam có cơ hội cọ sát nâng cao trình độ.
Theo webthethao.vn